Tâm hồn của mỗi đứa trẻ đều giống như một cái cây. Để cái cây lớn lên cứng cáp, tốt tươi thì ngoài việc được chăm bón, tưới tắm thường xuyên, thứ trước nhất mà người trồng cây cần chuẩn bị chính là một hạt giống tốt lành. Cha mẹ gieo những hạt giống tốt lành vào lòng con, yêu thương con mỗi ngày để con lớn lên, để tâm hồn con xanh tươi, tấm lòng con rạng ngời, để con trưởng thành và dạn dĩ trước bão dông cuộc đời.
Trong cuốn “Hạt giống tốt lành để con trưởng thành” (tên cũ là “12 mảnh ghép giá trị dành cho con”), những “hạt giống tâm hồn” đó đã được Linda Eyre và Richard Eyre cụ thể hóa dưới tên gọi của 12 giá trị cốt lõi. Những giá trị này sẽ làm nên nhân cách của một đứa trẻ, bao gồm: Thành thật (1), Dũng cảm (2), Trầm tĩnh (3), Tự lực và tiềm năng (4), Tự kỷ luật và điều chỉnh (5), Tính trung thực và sự trong sáng (6), Lòng trung thành và tính đáng tin (7), Tôn trọng (8), Yêu thương (9), Không ích kỷ và nhạy cảm (10), Lòng tốt và sự tử tế (11) và Công bằng và nhân từ (12).
Cuốn sách nỗ lực giúp các bậc cha mẹ xác định hệ thống giá trị của mình và lựa chọn những “hạt giống tốt lành” nhất để gieo lên “mảnh đất” mới bồi trong lòng con cái. Hệ thống giá trị của bạn có thể rất giống - hoặc cũng có thể rất khác - với hệ thống giá trị trong cuốn sách, vì vốn dĩ trên đời này chẳng hề tồn tại hai hạt giống giống nhau hoàn toàn. Nhưng điều đó không thành vấn đề, bởi điều quan trọng nhất là bạn phải không ngừng phát triển nhóm giá trị riêng của gia đình mình và dạy lại những giá trị này cho con cái. Gia đình sẽ không bao giờ có thể bị thay thế bởi một thể chế, nơi mà những giá trị cơ bản được dạy và được học, giống như việc một hạt giống cây lê, lớn lên dù nó có nhiều – ít hay thậm chí chẳng có quả lê nào thì nó vẫn mãi mãi là cây lê, không khác được.
Bên cạnh việc chỉ ra 12 giá trị như 12 hạt giống thích hợp với điều kiện thời tiết của 12 tháng trong năm, “Hạt giống tốt lành để con trưởng thành” còn bao gồm những phương pháp thực tiễn đã qua thử nghiệm và kiểm nghiệm, và được chia theo từng đối tượng trẻ: trẻ trước tuổi tới trường, trẻ lứa tuổi Tiểu học và trẻ vị thành niên.
Ngoài “nông trại” là gia đình của chính tác giả, những phương pháp này còn được sử dụng và phát triển bởi những thành viên của tổ chức HOMEBASE – một tổ chức quốc tế gồm những người sử dụng các chương trình được thiết kế xoay quanh mô hình “nuôi dạy con bằng mục tiêu” để dạy cho con niềm vui, trách nhiệm, sự nhạy cảm và giá trị.
Trích đoạn: Về hạt giống “Không ích kỷ và nhạy cảm”
Biết quan tâm tới người khác hơn, ít quan tâm tới bản thân hơn. Học cách cảm nhận về người khác và vì người khác. Đồng cảm, bao dung, yêu thương. Nhanh nhạy trước những tình huống và nhu cầu của mọi người.
Nhạy cảm và đồng cảm rõ ràng là những giá trị quan trọng, nhưng chúng cũng là những phẩm chất thường gắn liền với sự chín chắn, trưởng thành. Có thể dạy những giá trị này cho trẻ được không?
Cậu con trai của chúng tôi, Josh, tổ chức một bữa tiệc trượt tuyết vào ngày sinh nhật lần thứ sáu. Shawni, cô chị 8 tuổi của Josh, cũng đi cùng để bố có người bầu bạn, và để giúp phục vụ món rượu táo và bánh ngọt.
Có cả tá con trai ở bữa tiệc, và tất cả chúng đều la hét ầm ĩ, vui vẻ. Ít nhất thì cũng là tôi thấy thế.
Sau đó, tôi thấy một điều rất kỳ lạ. Josh leo lên đỉnh đồi với hai người bạn, Shawni gặp thằng bé ở đó và nói: “Josh, đây là bữa tiệc tuyệt vời, hầu hết các em trai ở đây đều có một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng cậu bé đằng kia (chỉ tay) lại bị bỏ rơi, và trông cậu bé có vẻ không vui lắm, còn cậu bé mặc áo khoác đỏ ở chân đồi lại có vẻ hơi khó chịu vì chiếc xe trượt tuyết chạy không tốt lắm thì phải. Em nên đến làm cho hai bạn cảm thấy tốt hơn đi.”
Cô con gái 8 tuổi nhạy cảm này đã để ý được những việc mà tôi không để ý - rằng có hai cậu bé không vui như những người còn lại. Thay vì lo lắng, buồn phiền hoặc trầm ngâm về việc chỉ có mình là con gái ở nơi đó, lại còn lớn tuổi hơn những cậu bé còn lại, con bé lại quan sát chúng, để tâm về chúng và quan tâm, lo lắng cho chúng. --- Richard
Một số trẻ có khả năng tự nhiên và bẩm sinh về quan tâm và nhạy cảm. Những trường hợp như vậy khá hiếm, đa số trẻ, đặc biệt là trẻ đang tuổi mới lớn tự coi mình là trung tâm, là “cái rốn của vũ trụ”. Quả thật, hầu hết những vấn đề mà trẻ vị thành niên phải đối mặt (dù là nổi loạn theo cách nào đi chăng nữa hay là xấu hổ cùng cực hoặc rút lui) đều bắt nguồn từ việc chúng quá quan tâm tới bản thân.
Tuy nhiên, trẻ có thể bắt đầu học để trở nên nhạy cảm và không ích kỷ từ khi còn rất nhỏ, và chúng nên học điều đó như học một kỹ năng, một khả năng và một giá trị.
Trẻ gặp khó khăn để đồng cảm và thể hiện cảm xúc với người khác. Trẻ vị thành niên thích mượn quần áo, nhưng nhiều đứa lại ghét phải cho người khác mượn (quần áo), và thường quên trả lại hoặc quên “sửa chữa hư hại”. Cha mẹ phải thật sự nỗ lực và đôi khi phải mất rất nhiều thời gian thì mới giúp trẻ nhận ra rằng thế giới không chỉ xoay quanh mình chúng, rằng cảm giác của những người khác cũng quan trọng, và rằng có rất nhiều thứ có thể học từ việc cho đi điều mà chúng thực sự muốn có vì lợi ích của người khác.
Một hôm, hai cậu con trai của chúng tôi, một lên 6 và một lên 9, đã tranh nhau một chiếc ghế. Cứ như thể đó là một mục tiêu không gì lay chuyển và một việc không thể cưỡng lại được. Đứa nào cũng khăng khăng rằng chiếc ghế cuối cùng đó đúng là chỗ của nó và nó là người đến trước. Khi cuộc đấu trí chuyển thành cuộc chiến la hét, khóc lóc và sắp chuyển thành một cuộc ẩu đả, tôi đã cân nhắc hai khả năng: (a) dành một chút thời gian để tìm hiểu xem ai đúng; hoặc (b) cho cả hai đứa ra “ghế ăn năn” ngồi cho đến khi mỗi đứa có thể xác định được mình đã làm sai việc gì. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ là không khả năng nào phát huy tác dụng. Vì thế, tôi đã nói: “Mẹ sẽ quan sát hai con, và xem ai sẽ cư xử đúng đắn. Mẹ nghĩ cả hai con đều biết việc đúng đắn cần làm để giải quyết vấn đề này”. Sau khoảng 15 giây im lặng, vẻ mặt của đứa mà tôi cá là sẽ buông tay khỏi nửa chiếc ghế toát lên vẻ hối lỗi. Sau khi thấy đứa không ích kỉ được khen ngợi hết lời, đứa còn lại cũng đưa chiếc ghế về phía đứa kia. --- Linda
CHỈ DẪN CHUNG
Khen ngợi. Hãy tích cực khen ngợi trẻ mỗi khi chúng có dấu hiệu, biểu hiện hoặc đôi khi chỉ là những ý nghĩ không ích kỷ. Hãy coi một hành động chia sẻ đơn giản ở trẻ - đặc biệt là trẻ nhỏ - cũng là một lý do đáng để tổ chức ăn mừng ghi nhận và khen ngợi. Khi trẻ chia sẻ, cho đi, hoặc nhìn thấy và phản hồi lại những nhu cầu của người khác, hãy khen ngợi trẻ, hãy bế trẻ lên, ôm trẻ và chỉ cho trẻ thấy điều mà trẻ vừa làm với người khác có ý nghĩa như thế nào.
Cho trẻ chịu trách nhiệm. Hãy cố khơi gợi sự đồng cảm và thương xót ở trẻ trước những khó khăn, thách thức của người khác. Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Harvard đã chỉ ra mối liên hệ thú vị giữa mức độ trách nhiệm mà trẻ được trao và xu hướng trở nên vị tha, quan tâm tới người khác của trẻ. Hiển nhiên là trẻ được cho mọi thứ, chỉ trừ trách nhiệm, không những sẽ trở nên hư hỏng mà thực tế còn đánh mất cảm giác quan tâm, lo lắng.
Trong suốt tháng này, nhấn mạnh và định nghĩa lại những trách nhiệm mà bạn trao cho trẻ, cũng như sự đáng tin mà bạn kỳ vọng ở trẻ. Bất cứ khi nào có cơ hội hãy thảo luận những trách nhiệm mà người khác có và cách chúng ta phải đồng cảm với những gánh nặng của người khác như thế nào.
Dạy bằng cách làm gương và tích cực lắng nghe. Hãy thể hiện cho trẻ thái độ đồng cảm và các kiểu nhạy cảm mà bạn muốn chúng học hỏi. Hãy cố gắng biến sự quan tâm và lắng nghe của bạn trở nên hữu hình hơn. Có một cách để làm được điều này, đó là “tích cực lắng nghe”. Thay vì chỉ đạo, quản lý và chất vấn trẻ, hãy cố gắng lắng nghe thực sự điều trẻ nói. Hãy tóm lược những điều trẻ đã nói theo cách có thể khẳng định với chúng rằng bạn đã nghe được điều chúng nói, đã hiểu điều đó, và có quan tâm tới điều đó. Thủ thuật này đôi khi còn được gọi là thủ thuật Rogerian1.
Ngoài việc khuyến khích trẻ nói với bạn nhiều hơn, tích cực lắng nghe còn tạo thành ví dụ điển hình cho kiểu nhạy cảm mà bạn muốn con mình phát triển.
Tôi còn nhớ một chuyện đơn giản thể hiện tính hiệu quả của thủ thuật này:
Một buổi tối, tôi ngồi ở bên mép giường của cô con gái 5 tuổi Saydi và hỏi con bé trường mẫu giáo hôm đó thế nào. “Ổn ạ”, Saydi trả lời, nhưng trông con bé không vui khi nói điều đó. “Sao thế, con gái? Có gì khiến con lo lắng à?”
“Không hẳn ạ.”
Hôm đó là một ngày dài với tôi, tôi thực sự quá mệt mỏi để tiếp tục dò xét. Tôi rất mệt, tôi chỉ định đặt lưng xuống giường, nằm gối lên gối của Saydi khoảng một phút. Một phút hóa thành năm phút - im lặng - tôi đã bắt đầu lơ mơ khi Saydi nói: “Bố, con cần một người bạn mới”.
Thật thú vị là sự phản ứng trước những nhu cầu của con cái đã trỗi dậy trong tâm trí người làm cha như tôi. Nếu như mọi khi, tôi gần như đã nói: “Sao thế? Con chưa có đủ bạn à?” Sau đó là hỏi: “Có bạn nào ích kỷ với con à?” rồi lại nói: “Con biết không, để có bạn, con cần phải làm bạn”. Rồi lại khẳng định: “Mà bố cũng là bạn con, con biết mà!”
Đây đều là những phản ứng đặc trưng của cha mẹ. Chúng ta cố gắng chất vấn, bảo vệ, hoặc răn dạy và giải quyết, hoặc an ủi và “nhanh nhanh chóng chóng giải quyết vấn đề”.
Nhưng tối nay, có lẽ vì tôi đã rất mệt, tôi không đặt bất cứ câu hỏi gì trong số những câu hỏi kể trên. Tôi chỉ nói: “Bố hiểu, con cảm thấy muốn có một người bạn mới.”
“Vâng ạ. Bố biết Amy không? Người bạn cũ tốt nhất của con ý, hôm nay bạn ý không tốt với con”.
Một lần nữa, những phản ứng thông thường lại xuất hiện trong đầu tôi: “Bạn ấy đã làm gì?” hay “Con ích kỷ với bạn ấy à?” hoặc “Bố có cần gọi điện cho bố mẹ bạn ấy và hỏi chuyện không?”
Nhưng lại một lần nữa tôi chỉ tích cực lắng nghe. “Ừm, lý do con cảm thấy con cần một người bạn mới là vì người bạn tốt Amy của con không đối xử tốt với con.”
“Vâng ạ. Lúc ra chơi, chúng con đang chơi thì bạn ấy thô lỗ và…”
Để câu chuyện dài trở nên ngắn gọn, tôi tóm lại là con bé kể và kể. Tôi cứ nằm đó trong bóng tối, gối đầu lên hai bàn tay đan chéo vào nhau và lắng nghe, cứ khoảng 10 phút lại nhắc lại điều gì đó với con bé như một cách củng cố. Saydi nói với tôi tất cả mọi thứ - con bé cảm thấy như thế nào, con bé thích gì, con bé nghĩ gì về mọi thứ. Tôi không bao giờ có thể biết được nhiều như thế bằng cách tra hỏi. --- Richard
Nói “xin lỗi”. Hãy thể hiện cho con thấy sự nhạy cảm của bạn và giúp chúng cảm thấy nhạy cảm với bạn. Bất cứ khi nào bạn phạm sai lầm hoặc đưa ra nhận định sai, hoặc khi ít nhạy cảm với những nhu cầu của con (khi bạn bận, mải mê…), hãy tiến về phía trẻ và nói xin lỗi vì đã không nắm bắt và nhanh nhạy trước những việc chúng lo lắng hoặc trước những điều chúng cần.
Cố gắng nói với con những việc chúng làm khiến bạn cảm thấy như thế nào. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn cảm nhận của bạn và nhạy cảm hơn với những cảm nhận đó. Nếu đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn của bạn nói rằng bạn thật lạ, hãy nói với nó rằng điều đó khiến bạn thấy bị tổn thương. Đôi khi trẻ nghĩ về cha mẹ như những người mà chúng có thể trút bầu tâm sự mà không cần để ý gì. Hãy nói với chúng không chỉ những điều gây tổn thương mà cả những điều tích cực. Chẳng hạn “Bố/Mẹ cảm thấy rất vui khi nhìn thấy con dọn dẹp mà không cần phải nhắc nhở hoặc giúp đỡ em làm bài tập về nhà”. Phải nhớ rằng không ích kỷ không phải tự nhiên mà có. Hãy cố gắng duy trì sự kiên nhẫn của bạn khi triển khai “tháng” này. Ai sinh ra cũng có một chút ích kỷ. Không có đường tắt để học cách không ích kỷ. Đó là một quá trình đòi hỏi phải suy nghĩ, luyện tập và phải có một chút chín chắn, trưởng thành
Tải sách PDF tại TuSach.vn mang đến trải nghiệm tiện lợi và nhanh chóng cho người yêu sách. Với kho sách đa dạng từ sách văn học, sách kinh tế, đến sách học ngoại ngữ, bạn có thể dễ dàng tìm và tải sách miễn phí với chất lượng cao. TuSach.vn cung cấp định dạng sách PDF rõ nét, tương thích nhiều thiết bị, giúp bạn tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi. Hãy khám phá kho sách phong phú ngay hôm nay!
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi, tài liệu học tập