Châu Phi Nghìn Trùng (Tái Bản 2022)
Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen (dù hai người chưa từng gặp gỡ) như thế này: “Hôm nay, tôi cũng sẽ hạnh phúc – hạnh phúc hơn nữa – nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak D”
Isak Dinesen là bút danh của bà Karen Blixen – tác giả cuốn sách Out of Africa, tựa tiếng Việt: Châu Phi nghìn trùng. Cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng bà sinh sống tại châu Phi (1914 - 1931) trên một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi.
Châu Phi nghìn trùng bao gồm 5 phần: hai phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lí cũng như sự trừng phạt. Phần thứ ba, Các vị khách của đồn điền, chuyển sang khắc họa tuyến nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen – như bà lí giải: “Tại các xứ thuộc địa mới khai phá, lòng hiếu khách là điều cần thiết cho cuộc sống của không chỉ du khách mà cả của người định cư tại đây. Mỗi vị khách là một người bạn, đem đến tin tức, tốt hoặc xấu, thứ bánh mì cho những tâm trí đói khát sống nơi cô quạnh. Một người bạn chân chính ghé chơi là một thiên sứ, mang theo bánh thánh”. Phần bốn, Trích sổ tay một người nhập cư, bao gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi. Cuối cùng, phần năm khép lại dòng hồi ức: Đồn điền lụn bại, vài thân hữu của Blixen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.
Về bối cảnh tác phẩm, độc giả có thể băn khoăn: Duyên cớ nào đã đưa bà, trong vai trò một người “thực dân”, tới miền đất Kenya bấy giờ thuộc về Anh quốc? Rời quê hương Đan Mạch, bà cùng chồng – ông Baron Bror von Blixen-Finecke – đặt chân đến đây, cai quản đồn điền cũng như những nhân công bản xứ: dân bộ lạc Kikuyu. Năm 1925, đôi vợ chồng chia tay nhau, bà Blixen chứ không phải ông Blixen đảm đương toàn bộ điền sản nói trên. Vị nữ điền chủ rất phù hợp với vai trò, điều đó thể hiện ở hai khía cạnh: khả năng coi sóc trang trại quy mô lớn một cách độc lập, và đặc biệt là mối quan hệ thân tình với con người châu Phi – bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, cố gắng lắng nghe và phân xử những “sự vụ” xảy ra trên vùng này “Cá nhân mình, ngay từ vài tuần đầu sống tại Phi châu, tôi đã lập tức đem lòng quý mến người bản xứ. Tình cảm chân thật này tôi dành cho mọi lứa tuổi và giới tính.” Đáp lại, con người châu Phi cũng yêu quý, tin tưởng Blixen: từ Farah Aden, anh đầy tớ người Somali đã gắn bó với bà trong suốt quãng thời gian Blixen ở châu Phi, chú nhóc Kamante thuộc bộ lạc Kikuyu “sống thui thủi giống con thú bị ốm” nhưng lại dành cho Blixen thiện chí khó phai mờ, đến ngài Kinanjui – vị thủ lĩnh tối cao cai quản hơn 100.000 dân K
“Kinanjui nằm xẹp trên giường. Mùi xú uế quanh ông ngột ngạt tới nỗi ban đầu tôi không dám mở miệng nói vì sợ buồn nôn. Đầu và thân trên Kinanjui teo quắt tới mức bộ khung xương to lớn của ông nổi nhô cả lên. Từng phân từng phân ông gom sức tàn kéo lê bàn tay phải qua thân mình để chạm vào tôi”.
Kết cục chẳng thể tránh khỏi, Blixen buộc phải bán đồn điền rồi trở về Đan Mạch. Tại đây, bà bắt đầu viết lách lại – niềm mê thích từng bị ngăn cấm thời trẻ. Năm 1934, bà cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn, sau đó vào năm 1937 – cuốn hồi ức Châu Phi nghìn trùng. Có phỏng đoán rằng tiêu đề sách bắt nguồn từ tiêu đề thi phẩm Ex Africa (tạm dịch: Châu Phi xưa cũ) mà Blixen sáng tác trong năm 1915. Dù chi tiết này có thực hay không thì âm hưởng chung của toàn bộ cuốn hồi ức vẫn là niềm hoài vọng châu Phi, mãnh liệt đến nỗi kí ức trở nên sống động trên từng trang sách. Cách hành văn của tác giả gần gũi, mến yêu, quả là đáng ngạc nhiên bởi bà viết từ góc độ một thực dân da trắng. Chẳng hề xa cách, khinh mạn, chẳng hề cho rằng mình đến để “khai sáng” cho người châu Phi, Blixen tiếp cận dân cư bản xứ đầy cởi mở, trìu mến, và càng về sau càng gắn bó, bảo bọc. Cũng có lẽ vì ăm ắp những kỉ niệm với châu Phi, dù là vui hay buồn, lành hay gở thì tất cả đều như “mới hôm qua” nên tác giả đã chọn mạch phi-tuyến tính khi viết, hầu như xáo tung, làm mờ trật tự thời gian. Thế nhưng trên phương diện không gian rõ ràng giữa Blixen và châu Phi đã tồn tại khoảng cách “nghìn trùng” để rồi nỗi nhớ thêm day dứt. Qua phần cuối sách, độc giả sẽ biết ông Remi Martin – chủ nhân mới của đồn điền – từng ngỏ ý để bà Blixen ở lại căn nhà thân thương tại châu Phi, song bà từ chối. Ngẫm kĩ, sự khước từ này hóa ra có lí, bởi bấy giờ vùng thuộc địa đã chất chứa những nỗi buồn khó tả.
Châu Phi nghìn trùng – tác phẩm ra đời từ những trải nghiệm cá nhân của một con người, nhưng lại mở cho chúng ta cánh cửa tới châu Phi rộng lớn: Có thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, trao tặng nhiều song lấy đi cũng cực kì tàn nhẫn; có con người “nguyên sơ” lắm lúc đến mức khôi hài và cũng thật đáng yêu. Qua cuốn hồi ức, châu Phi hiện lên lạ lùng trong mối tương giao giữa cái bản địa và thực dân da trắng, từ góc nhìn khác biệt, không khinh khi, xa cách mà ẩn chứa tình yêu.
Trang bản quyền:
Out of Africa
Copyright by Karen Blixen
Dịch từ bản tiếng Anh: Out of Africa
Bản quyền tiếng Việt: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2020
Bìa 4:
Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen: “Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc, hạnh phúc hơn, nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak D”
*
Còn Carson McCullers, một nhà văn Mỹ, thì nhận định về cuốn hồi ức như sau: “Lúc ốm đau hay bất hòa với thế giới, tôi lại tìm về Châu Phi Nghìn Trùng và lần nào cuốn sách cũng an ủi, nâng đỡ cho tôi.”
*
Khi đã quen với thơ, cư dân bản địa thường năn nỉ: “Nói nữa đi. Nói giống tiếng mưa ấy.” Tôi chẳng rõ vì sao họ cảm nhận thơ giống mưa. Tuy nhiên đó hẳn là lời tán thưởng, bởi ở châu Phi mưa luôn được yêu quý và chào đón.
*
Cũng năm ấy lũ châu chấu kéo đến. Sáng hôm sau tôi mở cửa nhìn ra ngoài, khắp nơi đã nhuộm màu hoàng thổ xỉn nhạt. Cây cối, bãi cỏ, con đường, mọi thứ trong tầm mắt, bị phủ thứ thuốc nhuộm ấy, tựa như đêm qua một lớp tuyết dày màu hoàng thổ đã đổ xuống khắp vù
*
Từ đây, xa trông về hướng Tây Nam, tôi vẫn thấy rặng Ngong. Dải sơn mạch trập trùng nét lượn sóng cao sang, thuần một sắc lơ đứng sừng sững giữa miền đất bằng phẳng xung quanh. Nhưng do khoảng cách quá xa nên bốn đỉnh núi giờ nom nhỏ nhoi, khó phân định, và khác hẳn hình thế vẫn thấy từ đồn điền.
Gấp mép:
Isak Dinesen là bút danh của nhà văn Karen Christenze Blixen (1885-1962). Bà sinh trưởng tại Rungsted, một thị trấn nhỏ ở bờ đông đảo Zealand, gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cả hai bên nội ngoại, bà bắt đầu sáng tác thơ, kịch và truyện ngắn từ khá sớm.
Trong bối cảnh các đế quốc châu Âu tranh nhau xâu xé lục địa châu Phi hồi đầu thế kỉ XX, năm 1913, Karen Blixen cùng chồng sang Kenya mua một đồn điền cà phê dưới chân rặng Ngong để sản xuất cà phê hạt.
Đến năm 1931, sau liên tiếp những thất bại trong kinh doanh và phải bán đồn điền, bà hồi hương, tiếp tục sống và sáng tác tại đây cho đến cuối đời.
Cuốn Châu Phi nghìn trùng được in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Danh tiếng nhanh chóng lan tới quê nhà nên bà đã dịch cuốn sách sang tiếng Đan mạch.
Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.
Bảy Chuyện Kể Gothic
Khi nhắc tới nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen, chắc hẳn bạn đọc Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới “Châu Phi nghìn trùng” nổi tiếng – cuốn hồi ký của bà về 17 năm sống ở châu Phi – qua bản dịch ngọt ngào của dịch giả Hà Thế Giang. Nhưng có lẽ ít bạn đọc biết rằng chính tác phẩm đầu tay “Bảy chuyện kể Gothic” xuất bản năm 1934 ở Mỹ đã đưa Isak Dinesen trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ XX.
“Bảy chuyện kể Gothic” lần đầu được xuất bản ở Mỹ vào tháng 4 năm 1934, và được Câu lạc bộ Sách của tháng gửi tặng tới các thành viên của họ. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một “cú hích”. Riêng Câu lạc bộ đã cho in 50.000 bản (sau khi Câu lạc bộ thỏa thuận về vấn đề bản quyền với Nhà xuất bản Harrison Smith & Robert Haas).
“Bảy chuyện kể Gothic” gồm 7 truyện, được đặt trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX. Các truyện này xoay quanh nhiều chủ đề, là sự kết hợp giữa các yếu tố lãng mạn và siêu nhiên với lối kể chuyện châm biếm, tinh tế. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy ví tác phẩm này là “một tòa kiến trúc ngôn ngữ đồ sộ, bí hiểm, khó vào”.
Nội dung 7 truyện đó là:
1/ Những con đường vòng quanh Pisa: Truyện được kể phần lớn dưới góc nhìn của nhân vật Bá tước Augustus von Schimmelmann, một quý tộc trẻ người Đan Mạch. Chuyện kể mở đầu với Augustus đang loay hoay đi tìm ý nghĩa cuộc đời và viết thư kể với người bạn rằng phải rời bỏ người vợ bởi cuộc hôn nhân không như anh ta mong đợi. Augustus đi tới Ý với hy vọng sẽ tìm được chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. Thế nhưng, anh ta bất đắc dĩ bị cuốn vào chuyến đi tới Pisa để thay quý bà Carlotta de Gampocorta gửi thông điệp tới cháu gái Rosina của bà ta. Trong chuyến đi, Augustus đã dừng lại ở tửu quán nghỉ ngơi và bất đắc dĩ trở thành khán giả trong một cuộc đấu súng. Bất ngờ thay, cuộc đấu súng này lại là mảnh ghép trong bức tranh toàn bộ câu chuyện của hai bà cháu Carlotta, giúp gỡ rối mối quan hệ giữa hai người. Xuyên suốt chuyến hành trình của Bá tước Augustus, có những điều ngẫu nhiên đã xảy ra, nhưng đó có thể là những lời nhắc nhở của Chúa để giúp Augustus nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời.
2/ Lão hiệp sĩ: Nam tước von Brackel là một quý tộc người Đan Mạch. Khi trò chuyện với một thanh niên trẻ, ông ta kể lại câu chuyện của chính mình. Chuyện diễn ra tại Paris, vào một đêm năm 1874, ả tình nhân đã tìm cách đầu độc Nam tước von Brackel nhưng ông ta may mắn thoát chết. Ngay trong đêm đó, sau khi thoát khỏi tòa lâu đài của ả tình nhân, ông ta đã vô tình gặp một cô gái còn rất trẻ rồi đưa về căn hộ của mình. Nam tước von Brackel đã có một đêm mặn nồng với cô gái và trong lòng huyễn hoặc rằng cô gái là một món quà mà thế lực bí ẩn nào đó ban tặng cho ông ta. Sáng hôm sau, khi thức dậy, cô gái đã hỏi Nam tước von Brackel trả mình 20 franc, thực tế phũ phàng đã kéo ông ta khỏi những ý nghĩa lãng mạn của buổi tối hôm trước.
3/ Con khỉ: Đây là truyện đậm tính siêu nhiên trong 7 truyện này. Truyện đặt bối cảnh trong một tu viện ở Bắc Âu, bà Tu viện trưởng có một con khỉ mà bà vô cùng yêu quý, tới mức cho nó tự do đi lại khắp nơi. Một lần kia, người cháu của bà, Trung úy Boris, bất ngờ xuất hiện, nhờ bà giúp thoát khỏi một vụ tai tiếng mà có thể hủy hoại sự nghiệp lẫn cuộc đời cậu. Phương án bà Tu viện trưởng đề ra là Boris sẽ cưới Athena, con gái của người láng giềng, một điều khiến Boris hết sức ngạc nhiên bởi ngay từ khi còn nhỏ bà Tu viện trưởng và mẹ của cậu đã tìm cách chia tách cậu với Athena. Thế nhưng, Athena từ chối cưới Boris, cũng như thề sống độc thân suốt đời. Không bỏ cuộc, bà Tu viện trưởng đã mời Athena tới ăn tối. Ngay trong tối đó, Boris đã cưỡng ép cô phải hôn mình. Sáng hôm sau, bà Tu viện trưởng đã lợi dụng sự ngây thơ của Athena, khiến cô gái trẻ nghĩ rằng hành vi sai trái của Boris khiến cô không còn trinh trắng, và cô không còn cách nào khác ngoài việc kết hôn với Boris. Khi tình hình đang dần trở nên căng thẳng, một màn biến hóa bất ngờ xảy ra, con khỉ của bà Tu viện trưởng xuất hiện, biến hình thành bà Tu viện trưởng đích thực, còn người mà tất cả – kể cả người đọc – đều tin là bà Tu viện trưởng thì hóa ra lại là con khỉ.
4/ Trận lụt tại Norderney: Truyện đặt trong bối cảnh năm 1835, khi cơn bão lớn quét qua khu nghỉ dưỡng ở bờ biển Đan Mạch. Vì cứu giúp một gia đình nông dân, vị Hồng y nổi tiếng Hamilcar von Sehestedt, Cô Malin Nat-og-Dag, nữ Bá tước Calypso và chàng trai trẻ Jonathan đã kẹt lại trong một gian gác. Trong thời gian chờ tới khi bình minh lên, cả bốn người đã lần lượt kể về câu chuyện của mình. Khi khám phá ra được sự kết nối trong tâm hồn qua câu chuyện kể của mỗi người, nữ Bá tước Calypso và chàng trai trẻ Jonathan được Hồng y nổi tiếng Hamilcar cùng Malin Nat-og-Dag tổ chức một lễ thành hôn đặc biệt. Còn vị Hồng y Hamilcar, bất ngờ thay, hóa ra lại chính là gã người hầu Kasperson, và Malin lần đầu tiên được nếm thử hương vị nụ hôn trước khi bước xuống nấm mồ.
5/ Bữa tối tại Elsinore: Nội dung kể về cuộc đời của ba chị em nhà De Coninck, sau cuộc Chiến tranh Napoléon và sự kiện nhà nước Đan Mạch vỡ nợ năm 1813. Có điều gì đó khác lạ giữa hai chị em sinh Fanny và Eliza De Coninck với người em trai Morten De Conink, dẫu rằng nhìn từ bên ngoài họ gần như hoàn hảo đến đáng kinh ngạc. Cả ba chị em đều xinh đẹp, lôi cuốn, tràn đầy sức sống. Nhưng trên thực tế, chị em nhà De Coninck đều có tâm trạng u sầu khiến họ không hài lòng với mọi việc. Dù là hoa khôi, ngôi sao trong những buổi khiêu vũ khi còn trẻ, Fanny và Eliza lại trở thành những bà cô già và không bao giờ kết hôn hay có tình cảm với bất kỳ ai. Còn người em Morten tuy là anh hùng của Elsinore, được mọi người ngưỡng mộ, nhưng anh ta lại bỏ rơi vị hôn thê của mình, bỏ rơi quê hương. Morten sau này trở thành cướp biển và lênh đênh trên biển cho đến ngày bị treo cổ ở Havana. Hơn 30 năm sau khi Morten biến mất, một trận bão tuyết lớn đổ bộ vào Elsinore, đưa đến cuộc hội ngộ giữa Fanny, Eliza, Morten, cũng như mở ra những góc khuất tăm tối trong mối quan hệ giữa ba người.
6/ Những kẻ sống trong mơ: Mở đầu bằng cảnh ba người đàn ông – một người da trắng châu Âu tên Lincoln Forsner, hai người Ả rập/châu Phi Said, Mira Jama – trên chiến thuyền dhow, trong một đêm tối trăng tròn năm 1863. Lincoln quyết định sẽ kể một câu chuyện với bối cảnh văn hóa khác hai người kia. “Những kẻ sống trong mơ” là chuyện lồng trong chuyện, về thời điểm Lincoln phát hiện ra mình yêu cùng một người phụ nữ với hai người quen là Friederich Hohenemser và Nam tước Guildenstern. Ban đầu không ai trong ba người bọn họ nhận ra đó là cùng một người phụ nữ, nhưng dần dần Lincoln, Friederich và Guildenstern biết được sự thật rằng người phụ nữ họ yêu tên Pellegrina Leoni, một danh ca opera vĩ đại. Nhiều năm trước, Pellegrina đã đánh mất giọng hát trong một vụ hỏa hoạn, và cô đã quyết định sống một cuộc đời với nhiều nhân dạng khác nhau.
7/ Thi nhân: Truyện kể về ông ủy viên hội đồng Mathiesen có một cuộc sống thanh thản và mãn nguyện tại Hirschholm. Ông Hội đồng có niềm say mê với thi ca, tới mức gần như ám ảnh nhưng không thể sáng tác nên một bài thơ hay. Ông ta trở thành người bảo trợ cho nhà thơ trẻ Anders Kube. Ngoài Mathiesen, không một ai nhận ra tài năng thi ca thiên bẩm của Anders, kể cả chính Anders. Và ông Hội đồng ấp ủ ý định trông coi chàng thi nhân trẻ này thật kỹ, khiến cho anh ta có thể phát huy hết tài năng của mình. Với kế hoạch đó, ông Hội đồng đã cố tình kết hôn với một người phụ nữ mà Anders yêu, nghĩ rằng bi kịch và mất mát sẽ khiến chàng trai mang đến những bài thơ hay nhất. Ham muốn kiểm soát số phận đôi tình nhân trẻ của Mathiesen đã dẫn ông ta tới kết cục bi thảm.
***
Văn học Gothic là một thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, miêu tả sinh động những câu chuyện kỳ bí với sự ghê rợn, tuyệt vọng, kỳ dị và mang màu sắc u ám, nó xuất hiện tại Anh từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nói đến văn học Gothic là nói tới đặc trưng “bóng tối” thể hiện các chủ đề cấm kỵ như loạn luân, siêu nhiên, hủy diệt... với hệ thống nhân vật “bất thường” trong tính cách, tâm lý... thường hay bị giam cầm trong không gian tối tăm, thời gian khép kín. Khi được hỏi tại sao lựa chọn tựa đề “chuyện kể Gothic”, Dinesen đáp: “Bởi tại Anh, nó đặt các câu chuyện vào bối cảnh thời đại và hàm ý về điều gì đó mà vừa mang sắc thái đề cao vừa ngập tràn bầu không khí giễu nhại trong thế giới yêu ma, bí ẩn.” Tự Dinesen xác định rõ: “Tôi không muốn viết theo đúng phong cách Gothic thật sự, mà sao phỏng phong cách Gothic, thời đại Lãng mạn của Byron, thời đại của người đàn ông… xây lên Strawberry Hill, thời đại phong cách Gothic hồi sinh.”
Thật vậy, khi lật qua từng trang sách, chúng ta sẽ như lạc vào một mê cung, một câu đố, không gian đa chiều, mà mỗi một tình tiết mới khiến ta không ngừng òa lên bất ngờ, phải trở lại đầu truyện để tìm những manh mối ẩn giấu mà tác giả đã khéo léo cài vào. Cứ mỗi lần đọc lại, chúng ta lại khám phá những chi tiết, ẩn ý mới.
Nhà văn Dorothy Canfield đã thốt lên khi lần đầu thưởng thức: “Chúng ta đưa ra đủ mọi điều vô nghĩa lý khi gắng diễn đạt về thứ gì đó – sách vở hay món ăn – khi nó đem tới cho chúng ta thứ cảm giác mới lạ. Nhưng làm sao mà khơi gợi lên ngôn từ diễn đạt bất kỳ cảm giác nào trừ phi người ta đã phải biết đến cảm giác đó rồi! Thôi thì đành phải nói thế này cho phải lẽ: Cứ nếm thử đi, bạn sẽ ngấu nghiến ngay thôi mà!”
***
Mùa xuân năm 1933, “Bảy chuyện kể Gothic” chính thức được viết xong, nhưng khi tác giả gửi tới một số nhà xuất bản ở Anh Quốc thì bị từ chối. Em trai của tác giả, Thomas Dinesen đã gửi bản thảo cho nhà văn người Mỹ Dorothy Canfield (thành viên ban tuyển chọn sách của Câu lạc bộ Sách của tháng). Canfield rất ấn tượng và đã giới thiệu “Bảy chuyện kể Gothic” cho Nhà xuất bản Mỹ Harrison Smith & Robert Haas. Để in được, Nhà xuất bản ra điều kiện là Karen Dinesen không được nhận tiền tạm ứng và sách phải do nhà văn nổi tiếng viết lời giới thiệu. Bà đồng ý và yêu cầu thêm: bà sẽ dùng bút danh chứ không dùng tên thật. Từ đây cái tên “Isak Dinesen” ra đời – “Dinesen” là họ thời con gái, “Isak” là phiên bản Đan Mạch của cái tên Isaac (có nghĩa là “tràng cười”), mang hàm ý về đứa con sinh sau đẻ muộn, không được mong đợi.
“Bảy chuyện kể Gothic” bản tiếng Việt này có thêm 10 tranh minh họa màu đầy ma mị, quyến rũ, như là một phần quà tặng bạn đọc góp thêm sự hấp dẫn và thú vị. Ngoài ra, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình cũng lược dịch thêm phần phân tích 7 truyện từ cuốn sách “Understanding Isak Dinesen” (Để hiểu Isak Dinesen) của nhà phê bình Susan C. Brantly, qua đó độc giả có thể hiểu hơn phong cách viết của Isak Dinesen.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
Isak Dinesen tên thật là Karen Christentze Dinesen, chào đời tháng 4 năm 1885 tại một trang viên gần bờ biển, cách Copenhagen khoảng 25 cây số về phía bắc. Cha bà, Wilhelm Dinesen, là quân nhân, nhà thám hiểm và nhà văn, mẹ xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có. Lớn lên, bà kết hôn, rồi sang châu Phi sinh sống và sau 17 năm thì trở về Đan Mạch. Một số truyện ngắn của Isak Dinesen đã được đăng trên tạp chí ở Đan Mạch với bút danh Osceola. Bà được biết đến nhiều nhất qua “Bảy chuyện kể Gothic” và “Châu Phi nghìn trùng”. Hai trong số tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim là “Châu Phi nghìn trùng” năm 1985 và “Ehrengard” năm 2023.
Isak Dinesen đã nhiều lần được cân nhắc cho Nobel Văn chương. Năm 1957, bà vào tới top 4, đặc biệt vào năm 1959, bà đã là sự lựa chọn hàng đầu, tuy nhiên do có ý kiến phản bác trong hội đồng rằng đã có nhiều nhà văn đến từ vùng Scandinavia đoạt giải rồi, và thế là vinh dự đó được dành cho nhà văn Ý Salvatore Quasimodo. Năm 1961, tên bà xếp thứ 3 chung cuộc. Một năm sau đó, bà lại có mặt trong danh sách đề cử, nhưng với việc qua đời vào tháng 9 năm đó, bà không bao giờ còn cơ hội đoạt được vinh dự này nữa. Việc chưa trao vinh dự này cho bà là một hối tiếc lớn, như Ernest Hemingway phát biểu khi nhận giải hay Peter Englund – thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển ở giai đoạn đó – cho rằng là sai lầm khi đã không trao giải thưởng Nobel Văn chương cho bà vào những thập niên ấy.
THÔNG TIN DỊCH GIẢ
Nguyễn Tuấn Bình là dịch giả, giảng viên và là ông chủ của trang Bình Bán Book. Đã xuất bản: “Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu” (H. G. Tyrrell), “Lịch sử bóng đá bằng tranh” (David Squires), “Ba bậc thầy” (Stefan Zweig), “Đảo ngược kim tháp” (Jonathan Wilson), “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” (Neil MacGregor), “Đời con” (Pearl S. Buck).
NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
1/ “Những niềm vui thú mà Isak Dinesen mang đến cho hằng bao độc giả đã vượt qua thời gian. ‘Bảy câu chuyện Gothic’ là dấu ấn mở màn cho một sự nghiệp văn chương nổi bật, tác phẩm đưa Dinesen vào danh sách các tác giả quan trọng của thế kỷ XX. Và hằng bao bạn đọc và cả người viết văn sẽ còn nhớ mãi về Isak Dinesen như một người bà, một người kể chuyện lão luyện, lúc nào cũng đem lại cho ta những điều bổ ích.” – Nữ văn hào Margaret Atwood
2/ “‘Bảy chuyện kể Gothic’ là một tòa kiến trúc ngôn ngữ đồ sộ, bí hiểm, khó vào, tuy chìa khóa được treo ngay ở nhan đề tác phẩm. Gothic là một phong cách kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở châu Âu. Bạn hãy thử nhìn một ngôi nhà thờ đá nặng nề nhưng đã được kiến trúc sư khắc phục cái bản chất ấy của vật liệu để nó như muốn bay lên (thăng thiên). Ngưỡng đọc của người Việt vốn ưa cái đọc dễ, ngại cái đọc khó, từ đó dần dần yêu cái đẹp nho nhỏ, xinh xinh, dễ cảm. Họ đâu biết rằng cái khó cũng có vẻ đẹp của nó, hơn nữa cái đẹp khó thường là phức hợp của nhiều cái đẹp dễ. Tuy nhiên để chiều gu đọc này, nhằm cải hóa nó, Nguyễn Tuấn Bình đã dịch thêm những bình luận đặc sắc từ tác phẩm ‘Để hiểu Isak Dinesen’ của Susan C.Bratly rồi dán vào đằng sau những Chuyện kể. Hy vọng sợi chỉ Ariadne này sẽ giúp bạn đọc vào sâu được mê cung Dinesen và không lạc lối ra.” – Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy
3/ “Ban đầu cả Quỳnh và Linh đều khá lo lắng vì khi nhận ‘đề bài’ là sẽ giải quyết bằng việc làm mới lại những tác phẩm minh họa đã có. Bản chất những tác phẩm đó đã thể hiện được tinh thần của ‘Bảy chuyện kể Gothic’ rất tốt, mình sẽ gặp áp lực hơn vì cái bóng quá lớn. Với sự cảm nhận sâu sắc của dịch giả, anh đã hỗ trợ cung cấp thêm tư liệu để hoàn thiện quá trình vẽ cho đúng bối cảnh lịch sử. Điều đó giúp hai chị em nhanh chóng hoàn thiện tranh nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của tác phẩm và của họa sĩ minh họa trước, chúng mình chỉ làm mới ý tưởng, hình ảnh nhân vật, chi tiết, nên đây có thể được hiểu là những bản vẽ được ‘cover’ lại.
Một trong những điều khiến cả hai tràn đầy cảm hứng là nhận được những sự ủng hộ nhiệt tình từ dịch giả, một con người rất tôn trọng những ý tưởng nghệ thuật, hiểu sâu sắc tác phẩm nên luôn chia sẻ cảm xúc của từng câu chuyện trong từng khoảnh khắc, giúp cho những hình ảnh tưởng tượng trong đầu người vẽ hiện ra chân thật nhất. Mặc dù biết là có một số chi tiết vẫn chưa được hoàn chỉnh nhưng có lẽ tinh thần nghệ thuật và tinh thần tác phẩm mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Cảm ơn dịch giả đã tin tưởng và giao cho hai chị em có cơ hội được thể hiện một phần ‘góc tối’ của bản thân.”– Họa sĩ minh họa Hoa Quỳnh
TRÍCH ĐOẠN
“Sự thật, các con ơi, đó là chúng ta, toàn thể chúng ta, đều đương diễn trong một vở kịch múa rối. Chẳng còn điều gì quan trọng hơn trong vở kịch múa rối ngoài việc tuân thủ trọn vẹn ý đồ của tác giả. Đó là hạnh phúc đích thực của cuộc đời, và lúc này đây ta rốt cuộc cũng tham gia vào một vở múa rối, ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó nữa.”
Tải sách PDF tại TuSach.vn mang đến trải nghiệm tiện lợi và nhanh chóng cho người yêu sách. Với kho sách đa dạng từ sách văn học, sách kinh tế, đến sách học ngoại ngữ, bạn có thể dễ dàng tìm và tải sách miễn phí với chất lượng cao. TuSach.vn cung cấp định dạng sách PDF rõ nét, tương thích nhiều thiết bị, giúp bạn tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi. Hãy khám phá kho sách phong phú ngay hôm nay!
Sách kỹ năng sống, Sách nuôi dạy con, Sách tiểu sử hồi ký, Sách nữ công gia chánh, Sách học tiếng hàn, Sách thiếu nhi, tài liệu học tập